Giai đoạn Phật giáo sơ kỳ Bhanaka

Cả truyền thống Phật giáo và giới học thuật đều đồng thuận rằng vào thời sơ kỳ tất cả trường phái Phật giáo đều bảo tồn kinh văn của mình bằng phương pháp truyền khẩu – với những bằng chứng quan trọng về cấu trúc và các đặc điểm nổi bật của các kinh văn Phật giáo sơ kỳ, sự thiếu vắng các quy định Luật tạng liên quan đến chữ viết và văn bản, và các thuật ngữ bắt nguồn từ thực tiễn của việc lắng nghe và đọc thuộc lòng được sử dụng để mô tả lời dạy của Đức Phật và các hoạt động của Tăng đoàn sơ khai.[1]

Hệ thống bhāṇaka được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng phần lớn bằng chứng văn bản liên quan đến bhāṇaka lại đến từ Sri Lanka.[2] Các học giả nghi ngờ rằng những kỹ thuật tương tự đã được sử dụng bởi tất cả các bộ phái Phật giáo để truyền tải nội dung của các A-hàm, nhưng ngoài truyền thống Thượng tọa bộ, có rất ít thông tin về thời kỳ tiền văn học của các bộ phái.[3] Bằng chứng sớm nhất về sự liên kết của các bhāṇaka với việc đọc thuộc lòng các phần cụ thể của kinh điển Phật giáo có từ thế kỷ thứ 2 hoặc thứ 3 trước Công nguyên.[2][1]

Tất cả các trường phái Phật giáo đều đồng ý rằng ngay sau khi Đức Phật nhập diệt, một đại hội kết tập gồm các đại đệ tử của Ngài đã được tổ chức để làm rõ và ghi nhớ lại những lời dạy của Ngài.[3] Tại Đại hội kết tập đầu tiên, tôn giả Ưu-bà-ly đã được hỏi về nội dung của Giới luật và tôn giả A-nan-đà cũng được hỏi tương tự về Giáo pháp. Sau khi hội đồng đã đồng ý về nội dung của các giáo lý, họ bày tỏ sự chấp nhận của mình đối với kinh điển bằng cách cùng nhau trì tụng chúng.[3]

Các đại hội kết tập tiếp theo được mô tả là tuân theo cùng một thủ tục cơ bản để so sánh và hiệu chỉnh nội dung của kinh điển, với các chuyên gia trong từng lĩnh vực được triệu tập đọc lại toàn bộ kinh văn để Tăng đoàn xác nhận.[3]